Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa không nên bỏ qua

Theo số liệu cập nhật về bệnh ung thư, trên thế giới mỗi năm có 14 triệu người mắc ung thư và hơn 8 triệu người tử vong vì căn bệnh này, trong đó ung thư đường tiêu hóa đứng thứ 3 trong các loại ung thư gây tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, các bệnh lý đường tiêu hóa cũng đứng đầu trong nhóm bệnh nội khoa, nguy hiểm nhất là ung thư đường tiêu hóa.

PGS.TS Vũ Hồng Thăng, Phó trưởng Khoa điều trị nội 4, Bệnh viện K

Theo PGS.TS Vũ Hồng Thăng, Phó trưởng Khoa điều trị nội 4, Bệnh viện K; Phó trưởng bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, tại bệnh viện K số bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa có xu hướng gia tăng, trong đó điển hình là ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng… Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như ý thức của người dân, có rất nhiều bệnh nhân mắc ung thư đường tiêu hoá đã được phát hiện ở giai đoạn sớm nên kết quả điều trị khả quan. Tuy nhiên, theo thống kê, số bệnh nhân ung thư đang ngày càng trẻ hóa.

Dấu hiệu sớm báo hiệu ung thư đường tiêu hóa

PGS TS Vũ Hồng Thăng cho rằng, những trường hợp có triệu chứng rối loạn tiêu hoá như đi ngoài nhiều lần, phân lẫn máu, chất nhầy, có thể có đau bụng... thậm chí, nếu trước đó chưa từng mắc bệnh gì mà bất ngờ có biểu hiện trên thì cần đi khám chuyên khoa tiêu hoá để phát hiện sớm bệnh ung thư. Trên thực tế, ở một số người thậm chí không có triệu chứng rối loạn tiêu hoá, mà chỉ đau bụng rất mơ hồ, gầy sút, thiếu máu... nhưng đi khám thì đã phát hiện ra bệnh ung thư. Ngoài ra, một số dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa có thể gặp là khó chịu trong bụng, trướng bụng, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đại tiện bất thường….

Nội soi đường tiêu hóa- cách hiệu quả để phát hiện sớm bệnh ung thư

Việc thực hiện các phương pháp sàng lọc sớm và thường xuyên ung thư đường tiêu hoá có thể giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, các khối u khi còn rất nhỏ, trước khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng, từ đó có thể điều trị kịp thời, kéo dài sự sống cho người bệnh. Phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hoá là nội soi kiểm tra đại tràng và dạ dày định kỳ.

Bên cạnh các biện pháp nội soi xâm lấn, với ung thư đại trực tràng thì người dân có thể xét nghiệm tìm máu tiềm ẩn trong phân, đây cũng là một trong những cách sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, PGS Thăng chia sẻ. Có nhiều thông tin chia sẻ trên mạng xã hội rằng chỉ cần một loại xét nghiệm sẽ phát hiện được nhiều loại ung thư. PGS Thăng phủ nhận thông tin này và khẳng định, cho đến nay chưa có loại xét nghiệm nào chỉ cần làm 1 lần mà phát hiện ra tất cả các loại ung thư.

Ung thư tiêu hóa – phòng bệnh hơn chữa bệnh

Nhiều người vẫn quan niệm mắc bệnh ung thư nghĩa là đã nhận được "bản án tử" . Nhưng điều này hoàn toàn sai lầm, ung thư nói chung và ung thư đường tiêu hóa nói riêng không phải là “dấu chấm hết”. Theo các chuyên gia ung thư, tầm soát ung thư dạ dày giúp giảm tỷ lệ ung thư hơn 90% các trường hợp ung thư đường tiêu hóa phát triển từ polyp u tuyến. Việc khám sàng lọc, kiểm tra định kỳ rất quan trọng, đặc biệt ở những người đã từng có bệnh lý về đường tiêu hóa.

Ung thư đường tiêu hóa đang ngày càng trẻ hóa

PGS.TS Vũ Hồng Thăng cho rằng, người dân cần nâng cao ý thức phát hiện bệnh sớm, nên đi khám bệnh định kỳ, nếu phát hiện sớm việc điều trị sẽ đem lại hiệu quả cao. Ví dụ như với bệnh ung thư đại trực tràng, ngay cả khi không có triệu chứng gì thì người bình thường từ 50 tuổi trở lên nên khám sàng lọc. Còn với người có sẵn bệnh lý viêm đại trực tràng chảy máu hoặc người có tiền sử gia đình như bố mẹ, anh chị em, cô dì chú bác bị bệnh ung thư đại trực tràng thì nên khám sàng lọc phát hiện sớm từ 40 tuổi. Một số bệnh ung thư mang tính chất di truyền gia đình thì lứa tuổi sàng lọc thậm chí ngay từ 10, 12 tuổi đã phải sàng lọc, PGS Thăng cảnh báo. Ngoài ra, nếu không có điều kiện đi sàng lọc sớm, khi có biểu hiện bất thường cũng nên đi khám sớm để phát hiện bệnh, PGS Thăng khuyên.

Hải Yến

0 nhận xét:

Đăng nhận xét