Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Cách phát hiện sớm bệnh viêm khớp

Những biểu hiện

Đau khớp: Triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp là đau khớp và đây là lý do khiến hầu hết người bệnh tìm đến viện điều trị. Đau có thể khác nhau tùy thuộc vào loại viêm khớp và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Đa số người bị viêm khớp thấy đau nhức khớp tăng lên khi hoạt động và giảm bớt khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm đau trầm trọng hơn đi kèm với hoạt động, tăng lên do thay đổi thời tiết, tâm trạng tồi tệ hơn.

Sưng khớp: Có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng khớp là viêm khớp. Nguyên nhân phổ biến thứ hai gây sưng khớp là tổn thương khớp. Vì vậy, nếu không có thương tích trước đó, có thể sưng là do viêm khớp. Một số xét nghiệm có thể được thực hiện như kiểm tra máu, chọc hút dịch khớp. Các xét nghiệm phân tích dịch khớp có thể giúp xác định xem có viêm khớp hay do các nguyên nhân khác gây sưng khớp như nhiễm khuẩn hoặc bệnh gout.

Cách phát hiện sớm bệnh viêm khớpBệnh nhân khớp nên khám để bác sĩ tư vấn và kê đơn.

Cứng khớp: Những người bị viêm khớp hầu như luôn luôn cảm thấy cứng khớp. Bạn có thể kiểm tra chuyển động của khớp bị đau bằng cách so sánh với khớp ở bên đối diện. Cứng khớp thường nặng hơn vào buổi sáng hoặc sau thời gian dài ngồi cố định ở một vị trí. Khi bạn di chuyển và hoạt động, cứng khớp thuyên giảm một chút. Các cách khác để giảm cứng khớp là sử dụng nhiệt và các thuốc chống viêm.

Biến dạng khớp: Khi sụn khớp bị mòn bởi viêm khớp, khớp có thể xuất hiện sự biến dạng. Nếu sụn khớp bị mòn, khớp có thể xuất hiện các góc cạnh. Biến dạng khớp thường được nhìn thấy ở các khớp ngón tay, khớp gối.

Cảm nhận mài mòn khớp: Khi sụn khớp bị mòn đi, lớp lót mịn bao phủ khớp sẽ bị mất. Khớp di chuyển không được trơn tru. Có thể cảm nhận hoặc thậm chí nghe thấy âm thanh “ken két” thô ráp. Đặt tay lên khớp khi uốn cong khớp lại có thể cảm nhận cảm giác này.

Các khối sưng và u nhô lên xung quanh khớp: Viêm khớp có thể gây ra sự hình thành của túi chất lỏng hoặc gai xương. Chúng biểu hiện như là những khối u xung quanh khớp. Các khối sưng và u nhô lên có thể không nhạy cảm với sự va chạm, nhưng có vẻ ngoài không đều. Hầu hết người bệnh nhận thấy những biểu hiện này trên các khớp nhỏ của các ngón tay, chúng cũng có thể xảy ra ở các khớp khác trên cơ thể.

Đau khi ấn khớp: Các khớp bị viêm rất nhạy cảm. Nếu một khớp bị viêm, ấn xung quanh khớp và có cảm giác đau là dấu hiệu cho thấy khớp bị viêm.

Nóng và đỏ khớp: Viêm khớp có thể dẫn đến các triệu chứng của nóng và đỏ khớp. Khi thấy những triệu chứng này nên đến bác sĩ để khám bởi vì chúng cũng có thể gợi ý tới một bệnh nhiễm trùng khớp tiềm ẩn.

Phòng ngừa để giảm các triệu chứng viêm khớp

Giảm cân và tập thể dục đều đặn: Giảm cân giúp giảm khối lượng gây áp lực lên các khớp. Việc thừa cân hoặc quá béo gây nhiều áp lực lên đầu gối và khớp hông, làm tăng nguy cơ viêm khớp. Một bài tập nhẹ nhàng như đi bộ một chặng đường dài để phòng ngừa cứng khớp. Yoga được coi là bài tập phù hợp cho người bị viêm khớp. Thường xuyên xoa bóp các khớp bị tổn thương cũng được khuyến cáo và làm cho khớp ấm lên. Tập thể dục có thể là một cách tuyệt vời để giảm viêm. Nên dành 30-45 phút tập thể dục mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Bắt đầu với cường độ tập thể dục chậm, sau đó tăng tốc độ phù hợp với từng cá nhân.

Cách phát hiện sớm bệnh viêm khớp

Thay đổi lối sống: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người hút thuốc có tình trạng viêm khớp cao hơn, vì vậy hãy ngưng hút thuốc lá nếu bạn đang hút. Quản lý tốt stress, do stress có liên quan đến mức độ cao hơn của tình trạng viêm trong cơ thể. Ngoài ra cần ngủ đủ giấc vì giấc ngủ không đầy đủ liên quan với các dấu hiệu viêm tăng lên; khuyến cáo trung bình cần ngủ 7-8 tiếng một đêm.

Giữ ấm khớp khi thời tiết thay đổi: Bảo vệ khớp đúng cách khi trời trở lạnh có thể giúp ngăn chặn cơn đau khớp và bị cứng khớp.

Chế độ ăn uống chống viêm: Một chế độ ăn uống chống viêm tập trung vào cắt giảm tiêu thụ các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, tăng tiêu thụ các loại thực phẩm giàu axit alpha-linolenic rất khuyến khích đối với những người cố gắng kiểm soát tình trạng viêm hoặc cho những người muốn khỏe mạnh. Chế độ ăn Địa Trung Hải, được coi là một ví dụ tốt về một chế độ ăn uống chống viêm, được dựa trên tiêu thụ trái cây, rau, ngũ cốc, các loại hạt và các loại đậu. Cá và hải sản được tiêu thụ ít nhất một vài lần mỗi tuần. Gia cầm, trứng, pho mát và sữa chua dùng vừa phải. Tránh dùng kẹo và các loại thịt đỏ. Ăn thực phẩm cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Canxi và vitamin D là những chất dinh dưỡng cần thiết cho những người bị viêm khớp. Canxi giúp tái tạo xương, trong khi vitamin D hấp thụ canxi.

Nếu bạn đang bị viêm khớp và không thuyên giảm với các biện pháp can thiệp tại nhà, nên trao đổi với bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu. Có nhiều loại bệnh viêm khớp khác nhau và mỗi loại đều đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau. Bác sĩ có thể kê đơn khi cần thiết, với các loại thuốc giúp giải quyết cơn đau bao gồm DMARDs, NSAID, thuốc giảm đau và corticosteroid.

BS. Thanh Hoài

0 nhận xét:

Đăng nhận xét